Việt Nam cần đầu tư mạnh vào điện năng lượng mặt trời
Trước cảnh báo về nguy cơ thiếu điện cho khu vực miền Nam từ năm 2018, đại diện Ngân hàng thế giới tại VN khuyến cáo VN cần tập trung đầu tư phát triển mạnh điện năng lượng mặt trời, nếu không sẽ phải đầu tư thêm nhiệt điện than.
Gánh nặng thiếu vốn đầu tư
Tại Tọa đàm “Cung ứng điện 2016-2020 nguy cơ thiếu điện và giải pháp” diễn ra ngày 15/11, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc cho biết, nguồn dự phòng cho miền Nam hiện rất thấp. Trong vài năm gần đây và các năm tới, Cục đã phải tính toán để cân đối hỗ trợ cấp điện từ miền Bắc và miền Trung để miền Nam không bị thiếu điện.
Theo ông Phúc, theo quy hoạch điện 7, chỉ có 30% công suất điện là do 3 tập đoàn PVN, EVN và TKV thực hiện. Còn lại là do các nhà đầu tư nước ngoài và BOT thực hiện. Để đảm bảo nguồn, trong quy hoạch điện 7 đã tính tới việc đầu tư nguồn điện cho khu vực miền Nam với việc xây dựng các trung tâm điện lực ở Vĩnh Tân và Duyên Hải ở khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải hết sức khẩn trương mới có thể đưa các trung tâm điện lực này vào hoạt động tránh thiếu điện cho miền Nam.
Cũng theo ông Phúc, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Đến 2020 tổng công suất đặt lên tới 60.000 MW. Đến năm 2020 cần đưa thêm vào 21.600 MW. Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, có 1.800 MW do các nhà đầu tư BOT thực hiện. Số còn lại do các đơn vị trong nước thực hiện.
“Để đáp ứng nhu cầu điện, chúng ta dự kiến phát triển năng lượng điện mặt trời 18GW. Muốn làm được, Chính phủ phải tập trung đầu tư rất mạnh nếu không sẽ phải đầu tư thêm nhiệt điện than”.
Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng WB
“Thực tế đang có ý kiến về việc thủy điện gây xả lũ, phá rừng, nhiệt điện than gây ô nhiễm, điện nguyên tử thì đã được đề xuất dừng triển khai. Như vậy lấy nguồn nào để cấp điện? Mỗi nguồn điện đều có lợi và hại. Vì vậy khi làm sẽ phải cân bằng theo hướng không đánh đổi môi trường. Thời gian qua có một số vấn đề liên quan đến nhiệt điện như khói bụi ở Vĩnh Tân, xả lũ ở Hố Hô nên việc cần xem lại quy trình phối hợp vận hành cũng như công nghệ của các nhà máy”, ông Phúc nói.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng cũng cho biết, theo các nghiên cứu gần đây, việc thiếu điện cho khu vực miền Nam có thể nhìn thấy do nhu cầu điện liên tục tăng trưởng 10%/năm. Đại diện WB phân tích, nếu không thu hút được nhà đầu tư tư nhân, gánh nặng đầu tư sẽ quay trở lại với EVN. “Để đáp ứng nhu cầu điện, chúng ta dự kiến phát triển năng lượng điện mặt trời 18GW. Muốn làm được, Chính phủ phải tập trung đầu tư rất mạnh nếu không sẽ phải đầu tư thêm nhiệt điện than”, ông Genner nói.
Buộc doanh nghiệp tiết kiệm điện
Trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch EVN, ông Dương Quang Thành cho biết, do nhu cầu điện ở miền Nam vẫn cao, trong khi một số dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên có nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2018-2019. Dự báo, từ năm 2017, EVN sẽ phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam (khoảng 5 tỷ kWh). Các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,5 tỷ kWh/năm. Nếu phát điện bằng dầu sẽ đắt hơn 2 lần so với than và chắc chắn EVN sẽ phải bù lỗ rất lớn. Điều đáng quan ngại là năng lực truyền tải điện vào miền Nam đã đến ngưỡng, hiện chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm.
Đưa ra con số mỗi năm Việt Nam cần 5 tỷ USD đầu tư cho truyền tải và phát điện, ông Franz Genner cho rằng, để giảm bớt gánh nặng thu hút vốn đầu tư, Việt Nam cần thu hút được 70% vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên thực tế khó làm được. “Các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại nhưng thiếu quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việt Nam đã đến lúc phải nâng chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lên một bậc nữa đồng thời có biện pháp giám sát và trừng phạt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ”, đại diện WB nói.